ĐẶC SẮC “LỄ HỘI RAMUVAN” CỦA NGƯỜI CHĂM NINH THUẬN

27
10
'23

Thời gian diễn ra Lễ hội Ramuvan là vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Khi có cơ hội đến với một mảnh đất được biết đến với “gió như phan, nắng như rang” được mệnh danh là vùng đất “đầy nắng và đầy gió” bạn sẽ có những cơ hội chiêm ngưỡng những nét đẹp mộc mạc nhất hay chiêm ngưỡng những cô gái Chăm thướt tha trong những bộ áo dài truyền thống.

Hình: Mộ của người chăm Bà Ni

Trong lễ hội, bạn còn được trải nghiệm cũng như tìm hiểu về văn hóa trong lễ hội Ramuvan của người Chăm nơi đây. Một văn hóa gắn liền với tết đến xuân về cầu mong một năm tốt tươi và hạnh phúc. Hãy theo dấu bước chân tôi để được trải nghiệm chân thật nhất khi đến với nơi đây.

Ở Ninh Thuận có diễn ra hai lễ hội chính đối với người Chăm, đó là lễ Hội Kate của người Chăm Ahier (Bà La Môn giáo) và lễ hội Ramuva của người Chăm Awal (Bà Ni và Hồi Giáo Islam) và mỗi nơi đều có những sắc thái đặc trưng riêng biệt nhưng lại có  mối liên kết rất mật thiết với nhau.

Theo lịch Chăm nhằm vào ngày 30/2,1/3 và 2/3 (dương lịch rơi vào tháng 4 hoặc tháng 5). Các nghi lễ quan trọng nhất trong lễ hội Ramuvan, gồm 3 phần chính: lễ tảo mộ (nghi lễ quan trọng nhất), lễ cúng gia tiên và lễ chay niệm tại thánh đường (tọa lạc tại thôn Văn Lâm 2).

Lễ tảo mộ

Ngày tảo mộ được diễn ra trước khi lễ cúng gia tiên tại tư gia, ở đây mọi người trong tộc họ đều đi lên mộ dâng trầu cau và mời gọi ông bà, tổ tiên hay con cháu có thể về nhà để ăn lễ cùng chung vui và ban phước lành cho gia quyến của mình, cũng như bày tỏ nỗi nhớ nhung và mong họ có thể về để ăn một bữa cơm.

Mộ của người Chăm Bà Ni thường ở những nơi cao ráo và thoáng mát, sạch sẽ. Ngôi mộ của họ thường để hai cục đá để biểu hiện người mất, khoảng cách chôn cách một khoảng đều thẳng và theo hướng Bắc – Nam (hướng Bắc chỉ phần đầu và hướng Nam là chỉ phần Chân) và phủ lên 1 lớp dọc theo 2 hướng đá và thường được chôn cùng với dòng họ trong tộc nên đây cũng được gọi là “mộ chôn tập thể”.

Ngày đi lễ mộ, những bậc vị chức (chủ lễ), tu sĩ hay được gọi với cái tên thân thuộc đó là Thầy Char sắc sẽ khoác trên mình một bộ áo dài trắng có viền đỏ, bên hông sẽ quấn một chiếc khăn trắng thắt qua ngang eo,  đầu trùm một chiếc  khăn trắng có tua rua, tay cầm hộp đồng đựng trầu cau đã têm sẵn, thuốc lá, nước thánh và một loại trầm để đốt có mùi hương để đến làm lễ tại nghĩa địa. Người chủ trì có vai trò quan trọng trong việc kết nối thế giới thực tại với thế giới tâm linh bằng Kinh Koran, mong muốn được mời ông bà tổ tiên về cùng chung vui với gia quyến cũng như người hiện tại xin ông bà, tổ tiên đi theo phù trợ cho con cháu. Qua đây cũng nói lên về ý nghĩa báo công, báo hiếu và nhớ về cội nguồn của những người còn sống đến với những người đã khuất, thực hiện đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”.

Ngoài nét độc đáo trong phong tục tảo mộ, đọc kinh Koran, tưới nước thánh thì điều mà ta chú ý đó là những cô gái Chăm khi khoác lên mình những bộ áo dài đầy màu sắc và sặc sỡ. Đây là dịp đầu năm mới nên chị em rất chăm chuốt cho ngoại hình thật xinh đẹp, mỗi người một vẻ tạo nên một sự riêng biệt khó tả. Khi Thầy Char đọc Kinh Koran thì các bà sẽ chấp tay lên đầu và cầu xin một việc hay đơn giản chỉ là mong gia đình được hạnh phúc, mùa màng bội thu, sau đó những người phụ nữ Chăm nằm úp mặt dưới nền cát bỏng rát để lạy. Sau khi thực hiện xong các nghi lễ thì mọi người thường tập trung xung quanh phần mộ của dòng tộc mình để ôn lại những chuyện về năm cũ, trò chuyện về năm mới trước khí bước vào lễ cúng gia tiên.

 Lễ cúng gia tiên

Lễ cúng gia tiên hiểu theo nghĩa đơn giản đó là con cháu trong nhà làm những mâm lễ gồm hai phần mâm: mâm mặn và mâm ngọt. Mâm mặn gồm các lễ như: cơm, canh, thịt, cá, rau,....Mâm ngọt gồm có bánh tét, bánh ú, bánh thuận, chè ngọt, chuối,... và hai mâm này luôn phiên xen kẽ. Những mâm cúng này được Thầy Char đọc kinh để mời tổ tiên về ăn mâm cơm của con cháu. Những mâm lễ này sẽ được bày biện trước mặt Thầy Char trong tầm khoảng 10 phút. Sau phần cúng gia tiên thì người Chăm thương hay tụ tập mời bạn bè chung vui cùng gia đình.

Hình: Mâm cúng trong lễ cúng gia tiên

Lễ chay tịnh của cộng đồng Chăm Bà Ni

Sau khi hoàn tất lễ cúng gia tiên thì cộng đồng Chăm Bà Ni sẽ bước vào lễ chay tịnh. Đối với các tu sĩ, Thầy Char. Họ sẽ vào Thánh đường và nhịn đói và chỉ được ăn vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày (các Thầy Char chỉ được ăn uống khi mặt trời xuống núi), họ quan niệm rằng, tháng ăn chay và tịnh tâm là để gột rửa xác hồn được trong sạch, liêm khiết vì thế khi mặt trời chưa xuống hẳn thì họ không được phép ăn uống. Đây chính là biểu tượng chế ngự lại những ham muốn của con người để từ đó đưa bản thân hướng đến sự chân thiện mỹ. Còn đối với người Chăm theo Đạo Bà Ni trong khoảng thời gian này thì không được sát sinh trong vòng 15 ngày sắp tới. Điều kiêng kị trong khi hành lễ chay niệm trong một tháng: Nam không được cắt tóc, cạo râu và nữ không được cắt tóc. Trong một tháng diễn ra lễ chạy tịnh thì những phụ nữ Chăm sẽ dâng trầu cau vào thánh đường để dâng cho Thánh dược gọi là Pô. Họ sẽ xuất hiện trên mình với bộ áo dài trắng, nam có thể mặc áo sơ mi trắng, hông quấn một chiếc khăn trắng và không được phép mặc áo màu vì màu trắng là biểu tượng của việc trong sáng nhất nên họ chỉ được phép diện kiến

thánh thần với bộ trang phục sáng màu. 

          

Hình: Một số hình ảnh trang phục đi thánh đường

Một số các lễ nhỏ khác trong lễ Chay tịnh: lễ Vaha (người dân sẽ đội mâm cơm hoặc mâm chè vào thánh đường), lễ Suk (haray suk là vào thứ sáu hàng tuần người Chăm sẽ đội mâm chè vào thánh đường), lễ đội thúng gạo vào thánh đường (lễ này được coi như là kết thúc một tháng chay tịnh của người Chăm theo đạo Bà Ni),...Một tháng chay tịnh có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cộng đồng Chăm kể cả về mặt tôn giáo và tín ngưỡng cho họ những điều tốt đẹp nhất.

Qua việc tìm hiểu những nét đặc sắc về những phong tục cho ta biết về các nghi thức của buổi lễ góp phần thêm cho văn hóa Việt và càng ngày thúc đẩy sự đoàn kết và phát triển du lịch cho địa phương, đặc biệt là ở Văn Lâm.

Bài viết và ảnh: Huỳnh Thị Thúy Vân

 

 

Từ khóa:

Mạng xã hội