Thiếu nhân sự sau dịch, lễ tân khách sạn kiêm luôn nhân viên kinh doanh

18
07
'22

TPO - Việc thiếu nguồn nhân lực sẽ tạo ra "rào cản" lớn trong ngành du lịch, nhất là trong thời điểm du lịch đang từng bước phục hồi sau dịch COVID-19. Vì thế, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trở nên cấp bách, trong đó có việc đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Ráo riết tìm nhân sự sau dịch

Vừa được nhận việc ở khách sạn Lotte (quận 1, TP.HCM) sau khi tốt nghiệp, chị Trần Lâm Phương Hảo đã kiêm nhiệm 2 công việc cùng lúc vừa đảm nhận vị trí lễ tân và nhân viên kinh doanh. Một câu chuyện khá bất ngờ nhưng cũng là điều dễ hiểu trong thời điểm nhiều doanh nghiệp du lịch thiếu hụt nguồn nhân lực như hiện nay.

“Công việc thời gian này hơi nhiều nhưng tôi mong muốn tận dụng cơ hội này để được thử sức với nhiều vai trò khác nhau trong ngành khách sạn như lễ Tân hay nhân viên kinh doanh. Hi vọng tôi sẽ cùng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này và ngành du lịch sẽ hồi sinh trong năm nay”, chị Hảo nói.

Bà Lâm Kim Phụng - Trưởng phòng truyền thông Khách sạn Lotte (quận 1, TP.HCM), cho biết, đơn vị hiện đang thiếu hụt khoảng 30% nhân sự, do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 kéo dài khoảng gần 2 năm qua, khách sạn gặp khó khăn trong nhân sự do nhiều lao động nghỉ việc hoặc chuyển nghề khác.

Thiếu nhân sự sau dịch, lễ tân khách sạn kiêm luôn nhân viên kinh doanh ảnh 1

Ngành du lịch cần nguồn nhân lực lớn để phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.

“Thời điểm này, chúng tôi đang ráo riết tuyển nhân lực mới và mời các chuyên gia về đào tạo cấp tốc, kịp thời phục vụ nhu cầu trước mắt”, bà Phụng nói.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Thị Ngọc Hiếu, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nhân lực du lịch đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng cũng như số lượng. Nguyên nhân chính do chuyển dịch nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương trong thời gian gián đoạn, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Ước tính, 80% nhân sự đã nghỉ việc hoặc chuyển nghề.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến 2,5 triệu lao động trong ngành Du lịch với 800.000 lao động trực tiếp. Đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là lực lượng hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch, doanh nghiệp du lịch.

Giải bài toán thiếu hụt nhân lực khi mở cửa

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, thông tin chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ (từ ngày 30/4/2022 – 03/5/2022), đã có khoảng 5 triệu lượt khách nội địa đi du lịch, trong đó có 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22 nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 1 tháng mở cửa (từ 15/3/2022 đến 15/4/2022), lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng cao, đạt 41.000 lượt chiếm hơn 40% trên tổng số người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

 

Dẫn chứng từ dữ liệu phân tích từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google, ông Nguyễn Quý Phương cũng cho biết đang có sự gia tăng rất nhanh lượng tìm kiếm về du lịch việt Nam trong 1 tháng sau khi Việt Nam chính thức mở cửa lại du lịch. Thời điểm ngày 01/3/2022, lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú tại Việt Nam tăng 27% so với cùng kỳ, đến giữa tháng 3 tăng lên 40%, vào đầu tháng 4/2022 đã vọt lên 114% so với cùng kỳ năm 2021 và tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng cao trong tháng 4.

"Những con số đó hứa hẹn cho ngành du lịch đang từng bước phục hồi và dự báo tăng trưởng mạnh trong thời gian tới là tín hiệu đáng mừng cho toàn ngành. Tuy nhiên, lượng khách du lịch tăng cao vào các kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè cũng như là mùa du lịch quốc tế vào dịp cuối năm sẽ tạo áp lực không nhỏ với những địa phương mà nguồn lực còn hạn chế", ông Phương nói.

Để đảm bảo nguồn nhân lực phục hồi sau đại dịch COVID-19, theo ông Nguyễn Quý Phương, các địa phương và doanh nghiệp du lịch cần có chính sách thu hút nhân lực du lịch đã thôi việc, chuyển việc trở lại phục vụ trong ngành Du lịch. Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại cho 100% nhân lực nghiệp vụ du lịch tại các địa phương đối với đối tượng quay trở lại làm việc, đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch.

Trong đó, có kế hoạch đào tạo bổ sung mới đảm bảo đủ nguồn nhân lực thiếu hụt do việc chuyển việc, thôi việc nhân sự du lịch thời gian vừa qua, có thể thu hút nhân sự lĩnh vực khác chưa qua đào tạo du lịch để bồi dưỡng, đào tạo nhanh nhân sự du lịch, chú trọng đối tượng nhân sự là người dân địa phương để ưu tiên tuyển dụng, đào tạo. Tiếp tục tăng cường các hoạt động liên kết hợp tác giữa các địa phương trong cùng khu vực, xác định hợp tác đào tạo phát triển nhân lực du lịch là một trong những vấn đề ưu tiên then chốt.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, với vai trò là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, ngành Du lịch thành phố đã đề ra 2 giải pháp chính để khắc phục khó khăn. Cụ thể, chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, đa dạng hóa hình thức đào tạo du lịch để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Đồng thời, chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, đặc biệt đối với các khu vực gần kề như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ… về công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Từ khóa:

Mạng xã hội