Tour giảm giá rẻ bất ngờ mùa du lịch nội địa Tết Tân Sửu 2021: Đòn bẩy phục hồi ngành “công nghiệp không khói”

24
01
'21

Trên các diễn đàn mua bán voucher nghỉ dưỡng rao đầy combo vé máy bay khứ hồi và khách sạn với mức giá rẻ giật mình. Sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 2, thời điểm này các công ty du lịch lữ hành đang rục rịch khởi động chương trình kích cầu du lịch nội địa mùa Tết. Nhiều chuyên gia nhận định, đây sẽ là “đòn bẩy” giúp phục hồi ngành “công nghiệp không khói” hậu COVID-19.

Du lịch nội địa lên ngôi

Chị Huyền Anh (35 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, mọi năm gia đình thường book tour du lịch nước ngoài vào dịp Tết, năm đi Nhật Bản, năm thì đi Châu Âu nhưng năm nay do dịch COVID-19 nên chuyển sang du lịch trong nước. Từ một câu chuyện cụ thể, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, trong các nhóm “Thanh lý voucher khách sạn” trên Facebook, giá combo du lịch trọn gói được giảm kịch trần.

Ví dụ combo du lịch 3 ngày 2 đêm tại khách sạn 5 sao tại Quy Nhơn giá chỉ còn 2,1 triệu/người, bao gồm vé máy bay khứ hồi, khách sạn, vé vào tham quan Safari Zoo và Eo Gió, buffet sáng.

Anh Đức Tiệp (nhân viên bán tour) cho biết: “Giá combo khách sạn và vé máy bay như vậy rất rẻ, bình thường trước dịch COVID-19, giá phòng khách sạn này đã là 2,1 triệu/đêm rồi”. Thậm chí, với với giá khoảng 1,6 triệu đồng/đêm khách sạn 5 sao ở Nha Trang, khách hàng được tặng 2 đêm nghỉ tại resort Nha Trang, với phòng dành cho 2 người lớn và 2 trẻ em.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Phạm Văn Bảy - Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội cho biết: “Dự kiến mùa Tết năm nay, Vietravel sẽ phục vụ khoảng 35.000 lượt khách, tăng 135% so với năm 2020. Giá tour nội địa năm nay tiết kiệm từ 15 - 30% so với Tết năm ngoái”. Theo ông Bảy, các năm trước, thị trường du lịch Tết sẽ bao gồm du lịch nước ngoài và trong nước còn năm nay chỉ còn thị trường trong nước, do đó dự báo nhu cầu dịch vụ sẽ cao:

“Nhu cầu đi du lịch của người tiêu dùng cũng đang dần thay đổi theo hướng cá nhân hoá là tự lựa chọn hành trình, chủ động về thời gian di chuyển, nghỉ dưỡng… để đảm bảo yếu tố riêng tư và an toàn. Bên cạnh tour trọn gói bao gồm đầy đủ dịch vụ ăn ở, đi lại, hướng dẫn viên và tham quan theo lịch trình có sẵn, đơn vị mở bán thêm riêng vé máy bay hoặc combo vé máy bay và khách sạn cho du khách có nhu cầu du lịch tự túc. Các gói tour được chia theo dịch vụ 3 sao, 4 sao, 5 sao để khách hàng lựa chọn phù hợp với mức kinh phí du lịch khám phá hay nghỉ dưỡng, trải nghiệm khách sạn, resort. Công ty đồng thời gia tăng các dịch vụ đi kèm cho cá nhân, nhóm nhỏ như đưa, đón khách du lịch tại sân bay, hướng dẫn viên riêng hay thiết kế tour nửa ngày, một ngày theo yêu cầu, tour có trải nghiệm mới lạ…” - ông Bảy cho biết.

Thương hiệu du lịch Việt Nam “An toàn và hấp dẫn”

Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro - Giảng viên Ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, các nước có ngành du lịch phục hồi nhanh chóng sau COVID-19 sẽ là những quốc gia có Chính phủ đặt sức khỏe và phúc lợi của người dân lên hàng đầu, đồng thời ngăn chặn dịch lây lan thành công.

“Trong suốt thời gian dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam luôn đặt an toàn và sức khỏe người dân lên hàng đầu và đây là điều hết sức quan trọng với ngành du lịch, khi lấy con người làm trọng tâm. Với một số người, dịch chuyển và du lịch là nhu cầu chứ không phải là thú vui xa xỉ. Khách du lịch không chỉ đến những đất nước có phong cảnh đẹp và thú vị nhất trên thế giới mà sẽ chủ yếu đến nơi an toàn nhất. Việt Nam hiện đang làm rất tốt và minh chứng là một trong những điểm đến an toàn nhất thế giới” - Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro cho hay.

Theo Tiến sĩ Ribeiro, việc Chính phủ xử lý đại dịch COVID-19 nhanh chóng và hiệu quả có thể biến Việt Nam thành điểm du lịch ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương được ưa thích hơn so với các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông và Australia.

Ông Michael Kokalari - chuyên gia kinh tế của VinaCapital cho biết: “Khách du lịch quốc tế đóng góp khoảng 8% GDP của Việt Nam vào thời điểm trước năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi COVID-19, lượng khách du lịch nước ngoài từ mức tăng 16% năm 2019 xuống mức giảm 79% vào năm 2020. Công ty tư vấn McKinsey dự báo du lịch quốc sẽ khó phục hồi hoàn toàn trong 2 đến 3 năm tới. Chúng tôi dự báo du lịch khó có thể đóng góp lớn cho Việt Nam nền kinh tế năm 2021. Điều này giúp giải thích tại sao dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của VinaCapital là khoảng 6,5%”.

“Năm 2021, du lịch nội địa sẽ tiếp tục là thị trường du lịch chủ đạo trong hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành, bên cạnh đó cần sự chuẩn bị sẵn sàng cho khôi phục du lịch quốc tế trở lại. Đại dịch đã ảnh hưởng và làm thay đổi mọi khía cạnh liên quan đến hoạt động du lịch, xu hướng đi du lịch của khách đã thay đổi, trong đó du lịch bền vững sẽ là động lực; các cộng đồng nhỏ sẽ đóng một vai trò lớn hơn; tư vấn du lịch trở nên cần thiết hơn và xu hướng du lịch gần nhà ngày càng được nhiều du khách hưởng ứng”, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch VISTA, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist thông tin.

* “Việt Nam hiện đang làm rất tốt và minh chứng là một trong những điểm đến an toàn nhất thế giới” - Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro.

* Ông Võ Anh Tài - Phó Chủ tịch VISTA, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cho rằng, cần đổi mới hoạt động lữ hành quốc tế sau COVID-19, chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép. Chuẩn bị sẵn sàng phục hồi ngay chính sách miễn thị thực nhập cảnh. Nghiên cứu, sửa đổi các điều kiện để hủy đặt chỗ tour du lịch quốc tế và trong nước. Tích cực duy trì hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam “An toàn và Hấp dẫn” thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, theo hình thức online tại các hội chợ du lịch quốc tế... H.Nguyễn

HƯƠNG NGUYỄN

Từ khóa: