Google tôn vinh ca trù để khuyến khích giới trẻ quan tâm văn hóa truyền thống
TTO - Đúng 0h ngày 23-2, nhằm ngày giỗ tổ nghiệp ca trù, Google lần đầu tiên tôn vinh loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này của Việt Nam bằng biểu tượng đặc biệt thay thế tạm thời trên trang chủ Google.com.vn.
Biểu tượng đặc biệt về ca trù minh họa hình ảnh của một chầu hát điển hình với 3 thành viên: nữ ca sĩ gọi là "đào" hay "ca nương" vừa sử dụng kỹ thuật cột hơi và ngân rung để tạo ra thanh âm độc đáo theo lối hát thơ, vừa gõ bộ phách (nhạc cụ hình hộp nhỏ bằng gỗ) lấy nhịp, một "kép" nam đệm đàn đáy và một "quan viên", thường là tác giả bài hát, đánh trống chầu.
Biểu tượng đặc biệt này thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ Google.com.vn trong ngày 23-2.
Đại diện của Google khẳng định qua việc tôn vinh nghệ thuật ca trù với biểu tượng này, Google mong muốn nâng cao nhận thức và sự quan tâm của công chúng đối với những nghệ thuật dân gian truyền thống đang có nguy cơ biến mất, nhắc nhở thế hệ trẻ luôn nhớ về cội nguồn.
Google cũng muốn "mang lại cho người xem cảm giác tự hào và tinh thần dân tộc, khuyến khích thế hệ trẻ khám phá nền văn hóa nghệ thuật truyền thống với các di sản phong phú của Việt Nam, và khơi gợi lên sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này".
Trước đó, Google cũng đã từng tôn vinh Tết Trung thu của Việt Nam.
Mừng vì có thêm một sự tôn vinh đối với nghệ thuật ca trù, nhưng nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng bày tỏ nỗi "đau đớn" của người từng nhiều năm dành tâm huyết cho ca trù, đó là sự thiếu vắng những nghệ nhân ca trù nhà nghề thật sự.
Theo ông Hiền, nghệ nhân ca trù hiện nay chỉ còn duy nhất một người được coi là nghệ nhân thực thụ, nhà nghề, hát đúng khuôn khổ, đó là nghệ nhân Phó Thị Kim Đức ở Hà Nội.
"Nghệ nhân Kim Đức là người cuối cùng của dân nhà nghề ngày xưa. Những người khác đều học tay ngang hết nên không biết phách, bởi phách ca trù khó lắm. Lớp trẻ cũng được một số người nhưng cũng phải rèn luyện nhiều", nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói.
Đây cũng chính là nỗi lòng của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức, người đã đi vào con đường hát ca trù chuyên nghiệp từ năm 12 tuổi và vẫn tiếp tục diễn và truyền nghề cho tới tận ngày nay khi bà đã 89 tuổi.
Nghệ nhân Kim Đức cho biết trong vài chục năm truyền nghề của mình, bà chỉ nhận đào tạo vài người. Giáo phường của bà có 7 người, trong đó có 4 người là các cháu nội, ngoại của bà, có người đã theo học bà suốt 20 năm.
Trong khi đó, có rất nhiều người chỉ "học mấy ngày cũng hát", "ra kiếm tiền", gây ra tình trạng "loạn" ca trù.
"Đây là điều đau đớn cho nghệ thuật ca trù", nghệ nhân Kim Đức nói.
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, trong âm nhạc và ca xướng truyền thống Việt Nam, ca trù chiếm một vị trí đặc biệt. Nó không giống dân ca, hoàn toàn không có nhạc đệm và căn bản không ghi ký âm, mà được hoàn bị về âm luật, nhạc cụ, diễn xướng, bài ca và giáo phường.
Cho nên người ta gọi ca trù là thể loại âm nhạc cung đình, mang tính giải trí, bên cạnh dàn nhã nhạc dùng cho tế lễ và các nghi thức quan trọng.
Sự tích của ca trù được hình thành từ dân gian và được ghi trong thần tích đền Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội). Theo đó, hai vị tổ của ca trù là hai vợ chồng Định Dự (con trai Đinh Lễ - một vị tướng của vua Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn thế kỷ 15) và công chúa Đường Hoa (một người nhà trời).
Ca trù từng được sử dụng trong mọi cuộc ca xướng thưởng ngoạn ở trong cung vua, nhà quan viên, các phường ca múa ở Thăng Long xưa và hát cho quan viên trong làng và cả hát cửa đình.
Khi người Pháp đặt chế độ cai trị nên đất nước ta, cùng với sự sụp đổ của nhiều giá trị truyền thống, những phường ca trù tan vỡ, trở thành các tiệm hát cô đầu ở Hà Nội.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ca trù dần vắng bóng khỏi đời sống và đến năm 2009, ca trù được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, từ đó nó dần được hồi sinh bằng nỗ lực của số ít cá nhân và nhà nước, nhưng những nghệ nhân ca trù thực sự thì ngày càng vắng bóng.
-
19092018
-
12112021
-
24102019
-
09102021
-
18022023
-
15092024
-
21072020
-
21112021
-
24122020
-
16082020
-
18102022
-
03082018