Giải pháp nào cho Du lịch Việt trước đại dịch Virus Corona?

06
04
'20

“Virus Corona” hay “nCoV” là 2 cụm từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong 1 tháng trở lại đây. Loại virus này là nguyên nhân gây ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp mà vào ngày 31/01/2020 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới đã ra công bố tình trạng y tế khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu. Đại dịch Virus Corona đã và đang tác động trực tiếp tới rất nhiều ngành kinh tế, trong đó phải kể tới ngành Du lịch.

Giấc mơ về một du lịch thịnh vượng năm 2020 và thực trạng tàn khốc khi nCoV xâm chiếm

Sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm luôn luôn ảnh hưởng đến du lịch. Ngày nay, du lịch là một ngành kinh doanh toàn cầu khổng lồ, chiếm 10,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 10% việc làm toàn cầu.

Dường như không có vật cản nào làm chậm hay ngăn cản sự tăng trưởng của nó khi kết quả cuối năm luôn vượt xa chỉ tiêu. Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc dự đoán sẽ tăng trưởng thêm 3% đến 4% lượng khách du lịch quốc tế vào năm 2020 với các chuyến khởi hành quốc tế đặc biệt mạnh mẽ trong quý đầu tiên của năm nay. Nhưng, đó là trước khi một Virus Corona chủng mới (nCoV 2019) khởi phát tại Trung Quốc và sau đó rất nhanh chóng lan rộng ra 20 quốc gia.

Giới chức Trung Quốc và nhiều các quốc gia, tổ chức đã nhanh chóng hành động quyết liệt sau khi nhận những bài học cay đắng từ vụ dịch SARS năm 2003, cũng bắt đầu ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sự lây lan của loại virus corona mới này vẫn tạo ra các ảnh hưởng nặng nề, tàn phá ngành du lịch Trung Quốc cả nội địa và nước ngoài.

tinh-hinh-du-lich-thoi-ky-dich-benh-corona

Với việc Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố virus corona là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng - mối quan tâm toàn cầu, Gloria Guevara, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) lo ngại, sự leo thang này có thể gây ảnh hưởng và thiệt hại lâu dài đối với lĩnh vực này. Vị nữ chủ tịch bày tỏ mối quan ngại sâu sắc rằng việc hủy chuyến bay, đóng cửa sân bay thường có tác động kinh tế lớn hơn so với sự bùng phát bệnh dịch. Tùy thuộc vào các hạn chế và cảnh báo được thực hiện trong bao lâu, tổn thất có thể dễ dàng tăng gấp bội so với năm 2003.

Thiệt hại sẽ xuất hiện trong tất cả ngành công nghiệp khi chuỗi cung ứng du lịch liên quan đến mọi thứ từ nông nghiệp, thủy hải sản đến ngân hàng và bảo hiểm. Ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là các ngành công nghiệp cốt lõi như dịch vụ lưu trú, thực phẩm và đồ uống, vui chơi giải trí, vận tải và dịch vụ du lịch.

Tại Việt Nam, tác động đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc, trong khi đây là thị trường khách du lịch lớn nhất đến nước ta, chiếm hơn 30% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019. Theo thông tin từ Sở Du lịch Khánh Hòa, Nha Trang - Khánh Hòa dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số khách quốc tế đến khu vực, tới hơn 70% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019.

Nhiều cuộc họp, hội nghị cũng bị trì hoãn để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, dẫn tới sự sụt giảm đáng kể lượng khách du lich kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE) và khách doanh nghiệp tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Tác động thứ hai là sự sụt giảm lượng khách quốc tế tại châu Á do đây được cho là khu vực có khả năng lây nhiễm cao hơn so với những điểm đến du lịch khác. Tác động thứ ba phải kể đến nguồn cầu du lịch trong nước cũng sẽ sụt giảm đáng kể do đa số người dân có xu hướng tránh đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, trạm tàu, trạm xe buýt và cả các nhà hàng hay khu vực vui chơi giải trí.

Nguồn cầu trong nước có thể cải thiện hay không phụ thuộc chủ yếu vào công tác phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.

Lối đi nào cho Ngành du lịch?

Chủ động trong công tác phòng chống dịch được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu. Hiện nay, các địa phương công bố dịch nói riêng và toàn thể các tổ chức, doanh nghiệp du lịch trên cả nước đã tuân thủ chấp hành các chủ chương, nghị định và chính sách của Chính phủ trong công tác phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh Corona.

Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch lữ hành, khách sạn, vận tải đã nhanh chóng thực hiện các hoạt động khử trùng, cấp phát khẩu trang và nước rửa tay miễn phí cho du khách. Phối hợp với các cơ quan y tế, cơ quan công an để phát hiện cũng như có những bước xử lý kịp thời với các trường hợp nghi nhiễm.

giai-phap-cho-nganh-du-lich-trong-dai-dich-corona

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch virus Corona khiến cho du khách hoang mang, hủy booking, hủy tour hàng loạt. Đây là thời điểm để mỗi doanh nghiệp cần xử lý khéo léo để vừa làm hài lòng khách hàng, giữ uy tín và thương hiệu doanh nghiệp lại vừa đảm bảo giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Các doanh nghiệp du lịch có thể liên hệ với các cơ quan, tổ chức như Hội Lữ hành, Hiệp hội du lịch, Ngân hàng để đề xuất hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo toàn, bảo lưu hoặc giảm thiểu chi phí phạt hủy dịch vụ đã mua.

Trong thời gian dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona còn diễn biến khó lường, các doanh nghiệp lữ hành cần tham khảo những kinh nghiệm quốc tế trong việc phòng chống dịch bệnh, xây dựng trước những kế hoạch xúc tiến các thị trường quốc tế để thu hút khách ngay khi hết dịch, chỉnh trang cơ sở vật chất, giữ gìn nhân sự, nhân lực làm du lịch…, đặc biệt là có những giải pháp để thúc đẩy du lịch nội địa.

T/h

Từ khóa:

Mạng xã hội