Khách du lịch tại Đắk Lắk.(Ảnh chụp trước dịch - Trần Ngọc) 

Ngay sau khi Chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc” được Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động trực tuyến vào ngày 28/9 với định hướng khôi phục và phát triển du lịch trong trạng thái “sống chung với COVID-19”, yếu tố an toàn cho khách du lịch, cho những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và cho cả xã hội đã trở thành một yêu cầu bắt buộc cho ngành du lịch.

Mục tiêu của Chương trình là chuyển các hoạt động du lịch sang trạng thái “bình thường mới”, xây dựng du lịch thành một ngành kinh tế du lịch an toàn. Chương trình áp dụng 6 nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát COVID-19 mà Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 23/9. Ngành du lịch sẽ tuân thủ nghiêm hướng dẫn của cơ quan y tế, đồng thời tổ chức các hoạt động du lịch một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến tình hình thực tế phòng chống dịch.

Với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”, Chương trình xây dựng tiêu chí an toàn ở các vị trí làm việc trong chuỗi dịch vụ du lịch nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch phù hợp. Đồng thời, xây dựng khung quy trình tổ chức hoạt động du lịch phù hợp với bối cảnh chung và đáp ứng cao nhất yếu tố an toàn trong dịch bệnh. Hướng dẫn cho các hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch địa phương linh hoạt áp dụng vào tình hình thực tế, chi tiết hóa các nội dung phù hợp, dễ thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bên cạnh đó, truyền thông về du lịch an toàn, về chương trình khôi phục du lịch trong bối cảnh bình thường mới với nội dung sống chung với COVID-19 trong từng doanh nghiệp du lịch, tạo sự tin tưởng của khách du lịch về những điểm du lịch an toàn, các đơn vị được lựa chọn đáp ứng đủ tiêu chuẩn đón khách trong giai đoạn tình hình dịch vẫn còn phức tạp.

Vào trung tuần thứ ba của tháng 9/2021, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị lữ hành tại thành phố xây dựng 2 chương trình tour thử nghiệm “Cần Giờ - Thiên nhiên tươi đẹp” và “Hành trình xanh về vùng Ðất Thép”, sau khi các huyện Cần Giờ và Củ Chi xác định là “vùng xanh” kiểm soát được dịch COVID-19. Tour được tổ chức đi và về trong ngày theo hình thức khép kín với các điểm đến ngoài trời, tách biệt các khu dân cư.

Các chương trình cũng được xây dựng theo hướng về nguồn tìm hiểu lịch sử, giới thiệu những đặc trưng văn hóa, làng nghề, cảnh quan thiên nhiên của hai huyện. Chương trình khi khởi động dành cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, nhằm thể hiện sự tri ân. Các tour tham quan về nguồn được tổ chức tuân thủ Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của UBND TP Hồ Chí Minh. Khách tham gia và nhân viên phục vụ ở tất cả các khâu đều đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng ngừa COVID-19, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trước khi tham gia hành trình hoặc phục vụ trực tiếp cho du khách. Mở cửa du lịch tại Cần Giờ, Củ Chi được xem là tour đầu tiên thí điểm mô hình “bong bóng khép kín” với các cung đường, khâu đưa đón, phục vụ theo chuẩn các tiêu chí an toàn. Qua đó, ngành Du lịch thành phố mang tên Bác kỳ vọng sẽ giúp mở lại thị trường nội địa, từng bước mở rộng đón khách.

Việt Nam cũng đang xem xét cho phép đón khách quốc tế trở lại trong tình hình mới. Bước đầu sẽ thí điểm ở một số địa phương và dần mở rộng theo từng giai đoạn và từng thị trường quốc tế. Đó là các địa điểm du lịch nổi tiếng của nước ta như Phú Quốc (Kiên Giang), Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Ðà Lạt (Lâm Ðồng)...

Việc cho phép thí điểm hộ chiếu vaccine được xem là tiền đề quan trọng để cứu nguy cho ngành Du lịch và dần thích ứng với tình hình mới hậu COVID-19. Ðây được xem là phương án vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa giúp du lịch Việt Nam từng bước vực dậy theo quá trình thích ứng với tình trạng bình thường mới.

Ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, trong tình hình dịch bệnh thì bất kể ai cũng đều lo ngại. Chúng ta cần dựa vào khoa học để thực hiện chứ không thể thực hiện giãn cách, phong tỏa mãi. Hiện nay nhân viên một số cơ sở du lịch ở Mũi Né đã được tiêm vắc xin mũi 2, nhưng cũng có cơ sở chưa tiêm đủ. Trước mắt, những resort đã đạt đủ các tiêu chí, hay còn gọi resort xanh sẽ mở cửa thử nghiệm, những resort chưa đủ điều kiện thì khi nào đạt sẽ mở.

Theo ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, để triển khai thực hiện thí điểm mở cửa đón khách cũng cần các điều kiện bắt buộc, trong đó có xây dựng và triển khai Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch. Triển khai tiêm đủ liều vắc xin cho toàn bộ lao động tại các khách sạn, điểm tham quan tham gia cung cấp dịch vụ để đảm bảo an toàn khi đón và phục vụ khách. Bên cạnh việc việc hướng dẫn đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch cho các cơ sở, điểm tham quan tham gia chương trình thì cũng xây dựng lộ trình đưa đón khách nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách...

Chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc” cũng đã xây dựng những tiêu chí an toàn riêng đối với khách du lịch từ 18 tuổi trở lên và khách du lịch dưới 18 tuổi. Đồng thời, Chương trình đặt ra những yêu cầu đối với điểm đến du lịch, cơ sở lưu trú như: Điểm đến du lịch thuộc vùng xanh và đủ điều kiện hoạt động theo tiêu chí an toàn phòng chống dịch; phục vụ số lượng khách tại cùng một thời điểm không được quá 30-50% công suất điểm đến (do điểm đến quy định)…v.v…

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nội dung an toàn của Chương trình không chỉ liên quan đến khách du lịch mà còn liên quan đến an toàn của cộng đồng dân cư, của khu vực và của cả nước. Do vậy, các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình cần được xử lý nghiêm theo các quy định của Nhà nước./.

 
B.Châu (t/h)