14 biểu tượng kiến trúc của các thành phố du lịch tại Việt Nam

04
10
'19

Khuê Văn Các, Cầu Hàm Rồng, Quảng Bình Quan,... đều là những biểu tượng kiến trúc được nhiều người biết và nhớ đến khi đến những điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam.

1. Khuê Văn Các - biểu tượng kiến trúc của TP. Hà Nội

 

Khuê Văn Các - biểu tượng kiến trúc của TP. Hà Nội

 

Khuê Văn Các có nghĩa là “gác vẻ đẹp của sao Khuê” được coi là công trình biểu tượng của thành phố Hà Nội, nằm trong quần thể di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám. Khuê Văn Các được xây dựng năm 1805 dưới thời vua Gia Long của nhà Nguyễn. Đây là một công trình nhỏ nhưng lại có kiến trúc đặc sắc và giá trị nhân văn to lớn. Vật liệu xây dựng Khuê Văn Các là gỗ và gạch, mang phong cách kiến trúc của triều Nguyễn. Cùng quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012.

 

2. Nhà hát lớn Hải Phòng - biểu tượng kiến trúc của TP. Hải Phòng

 

Nhà hát lớn Hải Phòng - biểu tượng kiến trúc của TP. Hải Phòng

 

Nhà hát lớn Hải Phòng là một công trình kiến trúc tiêu biểu của Hải Phòng - thành phố cảng có tầm quan trọng lớn của miền đông bắc bộ. Công trình này nằm ở trung tâm thành phố, được bắt đầu xây dựng từ năm 1904 tới năm 1912. Kiến trúc mô phỏng theo phong cách nhà hát Paris, do một kiến trúc sư người Pháp thực hiện. Nguyên vật liệu xây dựng phần lớn được chở từ Pháp sang. Ngày nay, nhà hát lớn Hải Phòng và quảng trường trước nhà hát là một không gian sinh hoạt văn hoá, chính trị của thành phố Hải Phòng. Ngày 9/12/2015, Nhà hát lớn TP Hải Phòng được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp là di tích quốc gia.

3. Cầu Hàm Rồng - biểu tượng kiến trúc của TP.Thanh Hóa

Cầu Hàm Rồng - biểu tượng kiến trúc của TP.Thanh Hóa

 

Cầu Hàm Rồng đi qua sông Mã là công trình biểu tượng của thành phố và tỉnh Thanh Hoá. Cây cầu này được khởi công xây dựng năm 1962 và hoàn thành năm 1964; ngay sau khi cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng năm 1904 bị phá huỷ do chiến tranh. Đây là cây cầu kết cấu thép dành cho cả đường bộ và có thêm đường sắt. Đây là chứng tích lịch sử oai hùng của quân dân Thanh Hoá trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện nay cầu Hàm Rồng là một di tích lịch sử và là điểm du lịch nổi tiếng tại thành phố Thanh Hoá.

4. Quảng Bình Quan - biểu tượng kiến trúc của TP. Đồng Hới

Quảng Bình Quan - biểu tượng kiến trúc của TP. Đồng Hới

 

Quảng Bình Quan - công trình biểu tượng của thành phố Đồng Hới (thuộc tỉnh Quảng Bình) là một kiến trúc dạng cổng thuộc hệ thống luỹ Thầy do các chúa Nguyễn xây dựng từ năm 1639 để ngăn quân Trịnh tấn công từ phía bắc. Quảng Bình Quan là một chứng tích đau thương trong suốt thời đất nước chia cắt, chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài. Nhưng đây cũng là một trong những công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao. Sau nhiều lần bị phá hủy và xây lại trong chiến tranh chống Pháp - Mỹ, công trình Quảng Bình Quan đã được phục dựng năm 2005 theo kiến trúc cũ.

5. Ngọ Môn - biểu tượng kiến trúc của TP. Huế

Ngọ Môn - biểu tượng kiến trúc của TP. Huế

 

Ngọ Môn là công trình biểu tượng của thành phố Huế (thuộc Tỉnh Thừa Thiên - Huế), Ngọ Môn chính là cổng vào phía nam của Hoàng thành trong Kinh thành Huế. Công trình này được xây dựng năm 1833 dưới triều vua Minh Mạng của nhà Nguyễn. Đây không chỉ là cổng Hoàng thành bình thường, mà còn là một lễ đài hướng về quảng trường rộng lớn ở phía trước. Đây là công trình có giá trị kiến trúc đặc sắc, độc đáo, thể hiện trình độ kỹ thuật xây dựng cao thời bấy giờ. Có thể nói là một kiệt tác, đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế; và là biểu tượng của một kinh thành vàng son dưới vương triều phong kiến.

6. Cầu sông Hàn - biểu tượng kiến trúc của TP. Đà Nẵng

Cầu sông Hàn - biểu tượng kiến trúc của TP. Đà Nẵng

 

Cầu sông Hàn (hay còn gọi là cầu quay sông Hàn) là công trình kiến trúc biểu tượng của thành phố Đà Nẵng. Cây cầu này đánh dấu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ và hội nhập của thành phố Đà Nẵng. Cầu Sông Hàn cũng mang sứ mệnh mở đường cho các cây cầu bắc qua sông Hàn trong thế kỷ 21 chứ không đơn thuần là kết nối đôi bờ đông – tây. Được khởi công năm 1998 và hoàn thành năm 2000, Cầu Sông Hàn là cây cầu quay đầu tiên do chính kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế, thi công, cũng là cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Phần trụ cầu giữa sông có thể quay 90 độ song song theo phương dòng chảy để các tàu lớn qua lại.

7. Chùa Cầu - biểu tượng kiến trúc của TP. Hội An

Chùa Cầu - biểu tượng kiến trúc của TP. Hội An

 

Chùa Cầu là công trình kiến trúc biểu tượng của thành phố Hội An (thuộc tỉnh Quảng Nam). Công trình này  là một viên ngọc quý toả sáng lấp lánh trong hệ thống di sản kiến trúc cổ của Hội An. Chùa Cầu được khởi công xây dựng vào khoảng thế kỷ 17 dưới thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và do thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng. Vào năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu đến thăm Hội An và đặt tên cây cầu là Lai Viễn Kiều, mang ý nghĩa "Cầu đón khách phương xa". Kiến trúc của cây cầu mang tinh thần của Nhật Bản kết hợp với nhiều yếu tố truyền thống của Việt Nam. Ở giữa cầu có một ngôi chùa nhỏ áp vào biên cầu quay mặt ra sông Hoài. Tuy được gọi là chùa nhưng trong chùa này không có có tượng Phật mà lại thờ thần Bắc Đế Trấn Võ - một vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người.

8. Tháp Trầm Hương - biểu tượng kiến trúc của TP. Nha Trang

Tháp Trầm Hương - biểu tượng kiến trúc của TP. Nha Trang

 

Tháp Trầm Hương là công trình kiến trúc biểu tượng của thành phố Nha Trang (Khánh Hoà). Đây là công trình mới xây dựng trong thời hiện đại, được cải tạo từ  công trình dang dở có tên “Hoa biển” nhằm tạo lập hình ảnh biểu tượng cho thành phố. Công trình được hoàn thành năm 2008, nằm trên quảng trường 2/4 ở bên bờ biển Nha Trang. Tháp Trầm Hương hiện còn là điểm trưng bày nhiều hình ảnh, tác phẩm nghệ thuật về Nha Trang và tỉnh Khánh Hoà, cũng cung cấp thông tin, giới thiệu các sản vật của địa phương. Phần đỉnh tháp là một không gian tâm linh, điện thờ các anh hùng liệt sỹ. Tuy là công trình mới xây dựng, chưa có bề dày về lịch sử song Tháp Trầm Hương  đã là một hình ảnh quen thuộc đối với du khách khi đến du lịch tại thành phố Nha Trang.

9. Tháp nước Phan Thiết - biểu tượng kiến trúc của TP. Phan Thiết

Tháp nước Phan Thiết - biểu tượng kiến trúc của TP. Phan Thiết

 

Tháp nước Phan Thiết công trình kiến trúc biểu tượng của thành phố Phan Thiết (Bình Thuận). Công trình này nằm bên dòng sông Cà Tỵ chảy qua thành phố, được khởi công xây dựng từ năm 1928 tới năm 1934 thì hoàn thành, do kiến trúc sư hoàng thân Xuphanuvông (Lào) thiết kế. Nguyên vật liệu của công trình này là bê tông và gạch, cao 32 mét. Phần trụ đế của công trình có nhiều ô cửa rỗng trang trí hình chữ triện; trên phần thân có những chữ "U.E.PT" (viết tắt của "Usine Des Eaux de Phan Thiet" có nghĩa là “Nhà máy nước Phan Thiết”) được trang trí bằng nhiều mảnh sành sứ ghép lại theo lối viết chữ hình tròn bao quanh tháp nước; đỉnh của công trình là 3 tầng mái ngói. Có lẽ vì đặc điểm kiến trúc vươn cao nên công trình này cũng được sử dụng như một cột cờ.

10. Ga Đà Lạt - biểu tượng kiến trúc của TP. Đà Lạt

Ga Đà Lạt - biểu tượng kiến trúc của TP. Đà Lạt

 

Ga Đà Lạt được coi là công trình kiến trúc biểu tượng của thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Ga Đà Lạt được xây dựng từ năm 1932 và được hoàn thành năm 1938, công trình này nằm trong kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt. Đây là nhà ga xe lửa duy nhất trong khu vực Tây Nguyên. Là một trong những công trình kiến trúc cổ kính đẹp bậc nhất của thành phố ngàn hoa Đà Lạt, và là nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Việt Nam cũng như Đông Dương. Với kiến trúc đậm tính bản địa, mô phỏng ba đỉnh của núi Lang Biang và những mái nhà rông ở Tây Nguyên, Ga Đà Lạt được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc Quốc gia vào ngày 28/12/2001.

11. Quảng trường Đại Đoàn Kết - biểu tượng kiến trúc của TP. Pleiku

Quảng trường Đại Đoàn Kết - biểu tượng kiến trúc của TP. Pleiku

 

Quảng trường Đại Đoàn Kết là biểu tượng kiến trúc của thành phố Pleiku (Gia Lai), rộng đến 12 héc ta với 205 ô cỏ, công trình này được khởi công xây dựng từ tháng 10/2010 và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2012. Điểm nhấn của quảng trường chính là tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” bằng đồng cao đến 10,8m, đứng trên bệ đá cao 4,5m - đâylà bức tượng Bác Hồ cao nhất Việt Nam. Phía sau bức tượng là dãy phù điêu bằng đá uốn cong cong với những hình ảnh được chạm khắc tinh tế, tỉ mỉ về cuộc sống sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Quanh quảng trường Đại Đoàn Kết có nhiều công trình văn hoá khác như Bảo tàng Gia Lai, Bảo tàng cổ vật, và Bảo tàng Hồ Chí Minh…Đây là điểm sinh hoạt chính trị, văn hoá của người dân thành phố và cũng là một điểm đến hàng đầu của du khách khi đặt chân tới Pleiku.

12. Nhà thờ gỗ Kon Tum - biểu tượng kiến trúc của TP. Kon Tum

Nhà thờ gỗ Kon Tum - biểu tượng kiến trúc của TP. Kon Tum

 

Nhà thờ gỗ Kon Tum (còn có tên gọi chính thức là “Nhà thờ chính toà Kon Tum”) là công trình kiến trúc biểu tượng của thành phố Kon Tum (thuộc tỉnh Kon Tum). Đây là nhà thờ giáo hội Công giáo, được khởi công xây dựng vào năm 1913 do các linh mục Pháp khởi xướng. Hiện nay, nhà thờ gỗ đã được dùng làm nhà thờ chính toà - nơi đặt ngai của giám mục Giáo phận Kon Tum. Công trình này mang phong cách kiến trúc cổ điển kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na - một sự kết hợp hoàn hảo giữa phong cách châu Âu và nét văn hóa của Tây Nguyên. Nhà thờ được xây dựng thủ công với chất liệu là gỗ bản địa, trong đó chiếm số lượng nhiều nhất là gỗ cà chít.

13. Nhà lồng chợ cổ Cần Thơ - biểu tượng kiến trúc của TP. Cần Thơ

Nhà lồng chợ cổ Cần Thơ - biểu tượng kiến trúc của TP. Cần Thơ

 

Nhà lồng chợ cổ Cần Thơ là công trình kiến trúc biểu tượng của thành phố Cần Thơ, nằm ở bên bến Ninh Kiều. Đây là kiến trúc chính của chợ Cần Thơ xưa kia, còn gọi là chợ Nam Kỳ lục tỉnh vì đây là đầu mối buôn bán theo đường sông nước trong vùng tây Nam Bộ. Chợ Cần Thơ được xây dựng từ năm 1915, cùng thời với chợ Bến Thành và chợ Bình Tây ở Sài Gòn, đây được coi là ngôi chợ đẹp nhất của đồng bằng sông Cửu Long. Kiến trúc chợ vừa hiện đại lại vừa cổ kính, với hệ mái ngói lớn, nhiều lớp. Trải qua thời gian, công trình bị hư hại nhiều và đến năm 2005 được trùng tu, trở thành một điểm du lịch hấp dẫn với nhiều nhà hàng ăn uống và quầy bán đặc sản, quầy hàng mỹ nghệ truyền thống, đồ lưu niệm.

14. Chợ Bến Thành - biểu tượng kiến trúc của TP. Hồ Chí Minh

Chợ Bến Thành - biểu tượng kiến trúc của TP. Hồ Chí Minh

Chợ Bến Thành tuy không là biểu tượng chính thức về mặt hành chính, nhưng từ lâu đã là biểu tượng của thành phố trong tâm thức người dân Sài Gòn. Đây là ngôi chợ lớn nằm ở ngay quận 1 - trung tâm thành phố. Cửa chính của chợ là Cửa Nam, cũng là hình ảnh đại diện chợ Bến Thành. Chợ Bến Thành được xây bằng kết cấu bê tông cốt thép cho hệ khung mái, có tường gạch bao quanh. Trước kia mái chợ được lợp ngói, hiện giờ lợp tôn. Nhiều sạp hàng trong chợ truyền nối qua nhiều đời, thậm chí có những sạp hàng gần bằng tuổi chợ. Trong hơn 100 năm qua, chợ Bến Thành đã trở thành một biểu tượng của thành phố đầu tàu về kinh tế, phồn hoa, năng động và phát triển.

Từ khóa: