Hồ Chí Minh trong lòng bạn bè và nhân dân thế giới

12
09
'21

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật vĩ đại không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với bạn bè yêu chuộng tự do và hòa bình trên thế giới.

Sinh thời và cả khi đã đi xa, Hồ Chí Minh luôn nhận được những tình cảm thắm thiết bằng những lời ngợi ca đẹp nhất của những người yêu mến Người khắp năm châu.

1. Năm 1923, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng người Xô Viết O.Mandenxtam gặp Nguyễn Ái Quốc lúc này 33 tuổi ở Moskva. Bằng dự cảm và mẫn cảm của một thi sĩ, chỉ sau một thời gian ngắn trong buổi tiếp xúc với người thanh niên Nguyễn Ái Quốc, O.Mandenxtam đã đánh giá Nguyễn Ái Quốc là một người phương Đông lịch sự, là biểu hiện cho một nền văn hóa của tương lai: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai. Từ trong giọng nói đầm ấm, thanh cao của Người, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái bao la toàn thế giới mênh mang như nước đại dương”.

Tháng 2-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ, đón Bác, Thủ tướng Ấn Độ P.J Nehru đã chào mừng: “Thật là một điều hân hạnh được gặp Hồ Chí Minh, con người vĩ đại và có sức hút mãnh liệt. Thế giới ngày nay còn có khác biệt và xung đột, nhưng được gặp Hồ Chí Minh, chúng ta thật sung sướng được thấy lòng tốt của con người, tình bạn, lòng nhân ái”.

Thủ tướng Ấn Độ đã dành những lời lẽ đẹp đẽ, trân trọng nhất để ca ngợi Hồ Chí Minh. Ông gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Một vị lãnh tụ xuất sắc đồng thời là một chiến sĩ vĩ đại cho tự do”. Trong bữa tiệc do Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức để chiêu đãi các vị lãnh đạo, chính khách và bạn bè Ấn Độ trước khi rời Delhi đi thăm Mumbai và Konkata, Thủ tướng Nehru phát biểu: “Chúng ta được tiếp đón một con người, mà người đó là phần lịch sử của châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta đã gặp một mảng lịch sử. Do đó, chúng ta không chỉ được nâng tầm tư tưởng, suy nghĩ mà còn được lớn lên ở bên Người. Được gặp Người chúng ta trở nên tốt đẹp hơn... Trong thế giới đầy biến động, xung đột và phân ly, thật sung sướng khi Người đến mang lòng tốt của con người và tình bạn, tình thân ái đã vượt lên tất cả”.

2. Năm 1969, sau khi Hồ Chí Minh qua đời, nhân dân Việt Nam đã nhận được rất nhiều bức điện chia buồn của chính phủ, các chính đảng, các nhân vật nổi tiếng trên thế giới về sự mất mát lớn lao này.

Lãnh tụ Cu Ba Fidel Castro đánh giá: “Cuộc đời Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng chói, những phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả nhất... Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống đời đời bất diệt”.

Trong bức điện chia buồn về việc Hồ Chí Minh từ trần, Đảng Cộng sản Mỹ đã chia sẻ: “Nhân loại đã mất đi một vị lãnh tụ vĩ đại, một người thầy mácxít - Lêninnít xuất sắc”. Xã luận Báo Đoàn kết - cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Italy ra ngày 5-9-1969 đã viết: “Tin đồng chí Hồ Chí Minh từ trần đã khiến cho hàng trăm triệu người trên thế giới xúc động và suy nghĩ (...). Người đã tạo nên một cuộc đời anh hùng của mình một cách khách quan, chứ không phải là do tính chất cao siêu của chủ nghĩa anh hùng cá nhân”.

Báo Diễn đàn Canada ngày 10-9-1969 viết: “Nhiều kẻ thù của Người tỏ lòng khâm phục và kính trọng đối với Người. Nhiều người tự do ở phương Tây đã ca ngợi những cống hiến của Người cho sự tiến bộ của nhân loại... Là một trong những người hiếm có, được lịch sử giao phó, Người tiêu biểu cho một nền đạo đức mới, đạo đức mácxít mang đầy tính nhân văn sâu sắc và đầy tinh thần xả thân quên mình”.

Ngay cả những người là “đối thủ” của Người cũng không thể phủ nhận sự kính trọng của họ dành cho Hồ Chí Minh. Tổng thống Mỹ Dwight  D.Eisenhower (giai đoạn 1953-1961) từng nói: “Trong trường hợp bầu cử tự do được diễn ra ở Việt Nam thì chắc chắn Hồ Chí Minh sẽ được cử tri cả 2 miền tín nhiệm... Ít nhất cũng phải có đến 80% bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh”.

Jean Sainteny, đặc phái viên của Tổng thống Pháp về vấn đề Đông Dương những năm 1946-1954 đã viết: “Ngay lần gặp đầu tiên với Hồ Chí Minh, tôi đã có ấn tượng rằng, đằng sau vẻ ngoài giản dị của con người này là một nhân cách vĩ đại”. Từ một người bên kia chiến tuyến, sau này, ông trở thành người bạn của nhân dân Việt Nam. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Jean Sainteny bay sang Hà Nội viếng Bác và xúc động phát biểu: “Chúng tôi đi ngang qua trước quan tài bằng kính, ở đó thi hài mảnh khảnh của người chiến sĩ già yên nghỉ. Chúng tôi đưa thêm vào biển hoa một vòng hoa đồ sộ để chứng tỏ lòng ngưỡng mộ của nước Pháp đối với kẻ thù cũ của mình, đồng thời với một ý định quên đi quá khứ và thật sự hướng về tương lai”.

3. Kể từ khi Người còn tại thế cho đến lúc đi xa, khắp mọi nơi, những đánh giá ngợi ca, tôn vinh dành cho người vẫn được cất lên ở khắp nơi bởi: “Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử” (Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại lễ truy điệu Người).

Tiến sĩ sử học E.Cobelep, tác giả Đồng chí Hồ Chí Minh đánh giá: “Hồ Chí Minh là nhân tài sáng tạo - một nhà chính luận, nhà thơ, nhà văn”. Còn A.Vladimirovna - Đại học quốc gia Viễn Đông của Nga thì viết: “Hồ Chủ tịch - Hồ Chí Minh là hiện thân của dân tộc Việt Nam, người Việt Nam ở mọi lứa tuổi, không phân biệt tuổi tác đều gọi Người là Bác Hồ”.

Ngài Saychum, Trưởng ban thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia thì viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta di sản quý báu về tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, là hành động sinh động mang tính thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa hành động chung và đời tư của Người, là biểu tượng của đạo đức trong sáng, văn minh tiến bộ để chúng ta học tập và làm theo”...

Ngài K.C Tiagi, Tổng bí thư Đảng Janata dal, Ấn Độ, trong Hội thảo Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn đã viết: “Người là hiện thân của những phẩm chất tốt đẹp của một nhà cách mạng, một người nhìn xa trông rộng và một nhà nhân văn vĩ đại”. 

Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam Geetesh Sharma trong một phát biểu năm 2015 khẳng định: “...Đối với chúng tôi, tình cảm luôn gắn liền với cuộc đấu tranh của Việt Nam, Việt Nam đồng nghĩa với Hồ Chí Minh. Sẽ khó tìm thấy người Ấn Độ nào không biết vị lãnh tụ huyền thoại vĩ đại của Việt Nam - Hồ Chí Minh - hoặc không biết tinh thần bất khuất và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam có thể không đạt được nếu như không có sự lãnh đạo và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi đường và những quyết sách định hướng vì nhân dân của Người. Chúng tôi ở Ấn Độ ngưỡng mộ Người, kính trọng Người và học theo Người. Một biểu tượng của sự chân phương và giản dị. Tôi vẫn còn nhớ việc Người thường đi đôi dép xăng-đan làm bằng vỏ xe cũ đã khuyến khích các nhà lãnh đạo cộng sản, cán bộ, trí thức và các nhà hoạt động xã hội làm theo Người, tạo thành xu hướng phổ biến một thời...”.

Tại phiên khai mạc Hội nghị Ban thường vụ Hội đồng Hòa bình thế giới năm 1999, Romet Chandra, Chủ tịch danh dự Hội đồng Hòa bình thế giới đã nói về Hồ Chí Minh với những lời lẽ đầy xúc động: “Vào thời điểm vinh dự này, cho phép tôi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lẽ các bạn đều biết Người là Việt Nam, là con người vĩ đại, hơn thế, tôi muốn nhấn mạnh, Người không chỉ dành riêng cho châu Á mà cho toàn thế giới. Các bạn có thể thắc mắc tại sao tôi cứ nói về quá khứ. Đây không phải là quá khứ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đang yên nghỉ trong lăng, nhưng Người còn sống mãi. Xin hãy dành một phút mặc niệm Người. Tôi tin và hy vọng rằng, mọi người đừng khóc mà hãy nhớ về Hồ Chí Minh - con người của hòa bình”.

Mọi vật đều sợ thời gian bởi lớp bụi của thời gian sẽ phủ mờ đi tất cả, thế nhưng đối với các vĩ nhân thì thời gian càng lùi xa càng tôn thêm tầm vóc lớn lao của họ. Hồ Chí Minh là một con người tiêu biểu trong số ấy. Từ lúc sinh thời cho đến khi đã đi xa, Hồ Chí Minh vẫn để lại những dấu ấn sâu đậm với lòng kính trọng, yêu mến không chỉ trong nhân dân của Người mà còn trong lòng bạn bè khắp nơi trên thế giới đúng như nhận xét của tác giả người Đức Hellmut  Kapfenberger trong cuốn sách Hồ Chí Minh - Một biên niên sử: “Hồ Chí Minh là một con người mà không một cá nhân có ý thức nào đã từng sống trong nửa trước của thế kỷ lại có thể quên được”.

Vũ Trung Kiên (tổng hợp)

Từ khóa:

Mạng xã hội