Sự ra đời của vaccine COVID-19 vào tháng 12/2020 đã làm dấy lên hy vọng rằng việc cấp hộ chiếu vaccine có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế thế giới, đặc biệt là của ngành du lịch và lữ hành. Miễn là vaccine sẽ tạo đủ khả năng miễn dịch và tránh lây truyền, người ta kỳ vọng nó sẽ cho phép người dân di chuyển qua biên gới mà không phải thực hiện các yêu cầu kiểm dịch và thử nghiệm kéo dài.
Hộ chiếu vaccine cung cấp thông tin xác thực có thể được sử dụng để chứng minh rằng một người đã tiêm đủ số mũi vaccine phòng, chống COVID-19, 2 mũi theo đúng quy định của nhà sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước. Nó có thể ở dạng giấy chứng nhận hoặc dạng thẻ, app công nghệ…
Hộ chiếu vaccine không phải là một phát minh mới, mà trước đó từng được đề cập như vào thế kỷ 20, nhiều quốc gia trên thế giới đã yêu cầu bằng chứng về việc tiêm phòng vaccine ngừa bệnh sốt vàng. Gần đây, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, kéo dài thì các quốc gia lại bắt đầu xem xét tới ý tưởng này. Điều làm cho hộ chiếu vaccine COVID-19 khác với các phiên bản trước là nó có thể được áp dụng dưới dạng kỹ thuật số - tiện lợi và khó làm giả hơn.
Hộ chiếu vaccine COVID-19 đang được ngày càng nhiều quốc gia xem xét áp dụng . (Ảnh: Reuters) |
Kỳ vọng…
Có thể thấy rõ ràng rằng hơn lúc nào hết, thế giới đang tập trung mọi nỗ lực nhằm bảo đảm dịch bệnh COVID-19 không tiếp tục lây lan, cướp đi các sinh mạng; song song với đó là phục hồi kinh tế và khôi phục lại sự sôi động của giao thương quốc tế. Trong bối cảnh đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hộ chiếu vaccine có thể là cơ sở để chúng ta tái thiết hoạt động giao lưu, phá vỡ tình trạng đóng băng của nhiều ngành kinh tế khi đại dịch vẫn đang tiếp diễn. Hộ chiếu vaccine cũng được đánh giá là một con đường nghiêm túc để thúc đẩy du lịch và giao lưu quốc tế. Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, các hãng hàng không đã chứng kiến tổng doanh thu hoạt động của họ bị cắt giảm 370 tỷ USD vào năm 2020 và sự thiếu hụt đối với lĩnh vực du lịch có lẽ cũng đã vượt quá 1.000 tỷ USD như ước tính của Tổ chức Du lịch Thế giới.
Thêm vào đó, hộ chiếu vaccine cũng có thể là chìa khóa đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường khi nó có thể được cấp cho những người đã tiêm phòng và cho phép họ tham gia các hoạt động cộng đồng, giúp họ yên tâm rằng người bên cạnh mình cũng đã được tiêm phòng, và do đó các quốc gia có thể bãi bỏ việc hạn chế/cấm tụ tập đông người, giúp những địa điểm hay hoạt động cộng đồng trở nên an toàn hơn. Hiện nay, điều kiện tiên quyết để cuộc sống của người dân trên khắp thế giới có thể trở lại trạng thái bình thường, đó chính là việc dỡ bỏ các rào cản phong tỏa đi lại. Vì vậy, nếu một quốc gia đạt ngưỡng “miễn dịch cộng đồng” nhờ tiến hành tiêm phòng trên diện rộng thì rõ ràng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội sẽ là không cần thiết.
Hộ chiếu vaccine cũng giúp tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực và kinh phí liên quan đến việc cách ly khi nhập cảnh vào các quốc gia trên thế giới.
Gần đây nhất, phát biểu trên kênh CBC của Canada ngày 30/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bày tỏ mong muốn hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7 gồm Đức, Pháp, Anh, Canada, Mỹ, Italy và Nhật Bản) sẽ đạt được một thỏa thuận về hộ chiếu vaccine COVID-19 và mở ra các cuộc đàm phán về một hiệp ước toàn cầu nhằm sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra các đại dịch khác trong tương lai.
Chủ tịch Ủy ban Tự do Dân sự của Nghị viện châu Âu Juan Lopez Aguilar thì cho biết hộ chiếu vaccine của Liên minh Châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây. Ủy viên Tư pháp của Ủy ban châu Âu Didier Reynders cũng cho hay đây là công cụ được ban hành và chấp nhận ở mọi quốc gia thành viên, cho phép công dân châu Âu đi lại an toàn và không có bất kỳ sự phân biệt nào.
Là chứng chỉ hợp nhất kỹ thuật số về tiêm phòng vaccine ngừa dịch COVID-19 của EU, hộ chiếu vaccine được kỳ vọng giúp mở lại biên giới trong khối và các nước thành viên chỉ được phép áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại trong trường hợp ngoại lệ để bảo đảm tình hình dịch tễ. Hộ chiếu này có thể sử dụng khắp các quốc gia EU và được quản lý qua ứng dụng điện thoại để xác định thời gian họ được tiêm vaccine. Nó cũng được chấp nhận ở một số quốc gia nằm ngoài khối như Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
Hy Lạp và Đan Mạch đã trở thành những nước đầu tiên phát hành hộ chiếu vaccine COVID-19 dùng cho di chuyển trong EU và Liên minh này hiện đang thúc giục các nước thành viên có động thái tương tự. Hy Lạp và Đan Mạch đã công bố hộ chiếu vaccine ngày 28/5, trong đó Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã gọi đây là cách nhanh nhất để đưa hoạt động đi lại tại châu Âu trở lại bình thường.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng đánh giá hộ chiếu vaccine sẽ tạo thuận lợi cho việc sớm đi lại, nhất là với du lịch.
Trước đó, nhóm các nước đã chấp nhận hộ chiếu vaccine từ đầu năm 2021 bao gồm: Estonia, Romania, Gruzia, khi họ chấp nhận đón khách quốc tế có chứng nhận tiêm vaccine ít nhất trong vòng 10 ngày mà không cần thực hiện tự cách ly; còn những ai mới chỉ tiêm đủ 2 mũi vaccine trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh vẫn sẽ phải thực hiện 14 ngày tự cách ly.
Một số nước khác như Hàn Quốc cũng đã chính thức cho biết sẽ cấp hộ chiếu vaccine theo hình thức kỹ thuật số thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, tích hợp các thông tin về tình trạng tiêm chủng vaccine COVID-19 của người dân. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun hy vọng khi hộ chiếu vaccine được áp dụng sẽ giúp người dân cảm nhận nhịp sống bình thường trở lại.
…và quan ngại
Tuy hộ chiếu vaccine có thể đem đến những cơ hội lớn và khá rõ ràng như vậy, nhưng trên thực tế, phần lớn các quốc gia vẫn còn e dè và thận trọng khi chuẩn bị, lên phương án triển khai tấm hộ chiếu đặc biệt này.
Đặc biệt, cho tới nay, sáng kiến này vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như đối mặt với quan ngại của người dân nhiều nước.
Người phát ngôn của WHO Margaret Harris khẳng định, ở thời điểm hiện tại, WHO không muốn coi việc tiêm vaccine hoặc hộ chiếu vaccine là yêu cầu để xuất nhập cảnh bởi chưa có đủ cơ sở dữ liệu để bảo đảm chắc chắn về hiệu quả ngăn ngừa lây truyền COVID-19 của vaccine hiện hành. Bên cạnh đó, với thực tế là có nhiều người không thể tiêm chủng vaccine COVID-19 vì những lý do khác nhau nên việc áp dụng hộ chiếu vaccine sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử.
Cùng quan điểm này, người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic cho biết, tại thời điểm này, Ủy ban Khẩn cấp và WHO đang khuyến cáo không nên sử dụng chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 để tiếp cận các dịch vụ du lịch quốc tế bởi vaccine không có sẵn ở khắp mọi nơi. Thêm vào đó, WHO vẫn chưa chắc chắn được liệu những người đã tiêm vaccine có còn bị nhiễm COVID-19 nữa hay không và vì thế vẫn có thể gây rủi ro cho những người khác.
Ông Mike Ryan, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO, thì khẳng định tổ chức này sẽ không đề xuất hộ chiếu vaccine cho đến khi vaccine COVID-19 được phân bổ rộng khắp và công bằng. WHO kêu gọi các nước cần phải thận trọng, yêu cầu không coi việc đưa ra bằng chứng tiêm chủng như một điều kiện để đi du lịch quốc tế.
Rõ ràng rằng trong bối cảnh số người mắc COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh, tỷ lệ người dân được tiêm chủng còn quá thấp và thời gian tồn tại miễn dịch sau tiêm vẫn còn đang được kiểm tra, thì sự thận trọng của WHO không phải là điều vô lý.
Mặt khác, một vấn đề đặt ra là hiện vẫn chưa có sự thống nhất ở phạm vi quốc tế về những tiêu chuẩn đối với hộ chiếu vaccine. Và liệu chính phủ các nước có chấp nhận khách quốc tế được tiêm loại vaccine chưa được chính phủ nước đó phê duyệt đối với trong nước hay không? Có thể thấy như hộ chiếu vaccine mà EU đề xuất áp dụng sẽ chỉ chấp nhận các loại vaccine đã được Cơ quan dược phẩm Châu Âu (EMA) phê duyệt, để ngỏ việc chấp nhận đối với các loại vaccine khác của Trung Quốc và Nga. Chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Châu Âu hiện vẫn chủ yếu sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech. Trong khi đó, Trung Quốc thông báo sẽ chỉ cho phép người nước ngoài nhập cảnh nếu họ tiêm vaccine của Trung Quốc. Hay như vaccine của AstraZeneca đang được sử dụng ở 86 quốc gia, nhưng chưa được phê chuẩn sử dụng ở Mỹ… Từ thực tế đó có thể thấy rằng để đồng nhất được một tiêu chí chung trong cấp hộ chiếu vaccine trên phạm vi toàn cầu không phải là một việc dễ dàng và nhanh chóng.
Không những thế, một số ủy viên về quyền riêng tư của Canada thì đặt ra vấn đề về bảo đảm quyền riêng tư nếu nước này áp dụng hộ chiếu vaccine để thông tin y tế cá nhân không bị tiết lộ. Theo họ, “hộ chiếu vaccine” chỉ nên chứa thông tin cần thiết xác nhận đã tiêm chủng, chứ không nên có những thông tin sức khỏe có thể bị xâm phạm và đặc biệt, cần giám sát độc lập đối với bất kỳ chương trình hộ chiếu vaccine nào, để người dân được biết thông tin của họ được sử dụng và lưu trữ ra sao.
Các quốc gia đang đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. (Ảnh: WHO) |
Thận trọng xem xét áp dụng
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành sang năm thứ hai liên tiếp với những hậu quả để lại rất lớn cho nền kinh tế toàn cầu cũng như sức khỏe cộng đồng và đời sống xã hội, thì sự hợp tác quốc tế cùng với các ý tưởng, giải pháp toàn diện sẽ cần thiết hơn bao giờ hết.
Trong thông điệp được ghi hình gửi kỳ họp của Đại hội đồng Y tế thế giới ngày 24/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh nhấn mạnh đến vai trò phối hợp hành động mang tính toàn cầu trong 3 lĩnh vực bao gồm đoàn kết ngăn chặn virus SARS-CoV-2, tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu và bảo hiểm y tế toàn dân, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu tiếp theo. Ngoài ra, ông Guterres khuyến nghị các nước cần khẩn trương thực hiện một kế hoạch bảo đảm công bằng trong tiếp cận vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị COVID-19.
Trong thông điệp gửi tới Hội nghị thượng đỉnh 'Đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu 2030' (P4G), ngày 30/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tiếp tục kêu gọi thế giới cần một quan hệ đối tác toàn cầu để đánh bại COVID-19, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và chống lại biến đổi khí hậu.
Không thể phủ nhận rằng, hộ chiếu vaccine với những ưu việt đã được chỉ rõ là một trong những giải pháp mang tính toàn cầu hiệu quả giúp nối lại giao thương quốc tế, thúc đẩy phục hồi kinh tế cũng như thiết lập trạng thái bình thường mới cho đời sống xã hội. Tuy nhiên, khi áp dụng hộ chiếu vaccine, các quốc gia cần có thông tin đầy đủ, phải xem xét để áp dụng hiệu quả, an toàn.
Đặc biệt, hộ chiếu vaccine chỉ có thể phát huy tối đa công dụng khi nó được cấp phát trong quá trình hợp tác giữa các quốc gia, cùng chia sẻ bình đẳng nguồn vaccine cũng như thống nhất về các tiêu chí áp dụng. Trong bối cảnh khi việc thực hiện tiêm phòng vaccine COVID-19 vẫn không đồng đều trên thế giới, các quốc gia cần khẩn trương hợp tác để xây dựng một quy trình vaccine chung cho việc đi lại xuyên biên giới.
Thêm vào đó, các quy trình kiểm dịch cần được tiến hành hài hòa giữa các quốc gia. Và điều quan trọng nữa là các quốc gia cần áp dụng các giải pháp về công nghệ để theo dõi chính xác sự di chuyển của người dân, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, đồng thời cho phép trao đổi thông tin giữa các quốc gia./.