Thomas Cook - ông tổ của ngành lữ hành hiện đại

20
05
'19

Bất kể ngành nghề gì cũng phải bắt đầu từ một người. Với du lịch hiện đại, đó là Thomas Cook.

Sống cách chúng ta 200 năm, Thomas Cook (22/11/1808 – 18/7/1892) được coi là ông tổ của ngành du lịch hiện đại. Không chỉ là nhà du lịch, ông còn là một nhà báo. 

Mỗi khi đến đâu đó, ông lại viết bài gửi về cho một số tờ báo ở Anh, mô tả cách đi lại, tìm kiếm phương tiện, chỗ ăn nghỉ sao cho vừa tiết kiệm, lại vừa đảm bảo chất lượng. Một số tờ đã đặt ông viết bài miêu tả cảnh đẹp trên đường.

Với giá vé 1 si-ling (tiền Anh trước đây), năm 1841, ông đã tổ chức một chuyến du lịch tập thể bằng đường sắt cho 570 người từ Leicester tới Loughborough. 4 năm sau đó, ông tổ chức một chuyến khác cũng bằng tàu hỏa từ Leicester, Nottingham, và Derby tới Liverpool. Đó là khi ông chính thức bước chân vào việc kinh doanh du lịch. 

Năm sau đó, năm 1846, lần đầu tiên Cook tổ chức đưa khách du lịch từ Anh sang tham quan Scotland. Các vị chủ nhà Scotland rất hào hứng đón tiếp các vị khách Anh. Khi đoàn tàu tiến vào ga Glasgow, Scotland bắn súng chào mừng, cử nhạc, và trịnh trọng phát biểu.

Năm 1866, Thomas Cook phát hành cuốn sách hướng dẫn du lịch đầu tiên giới thiệu về Scotland và cách đi du lịch Scotland. Sau Scotland, ông bắt đầu mở tua đi các nơi khác như Xứ Wales, Ireland và tới châu Âu, rồi tới nước Mỹ.

Năm 1873, ông hoàn thành chuyến du lịch vòng quanh thế giới đầu tiên, và bắt đầu tổ chức du lịch vòng quanh thế giới. Mức giá cho một chuyến vòng quanh thế giới khi đó chỉ có 200 ghi-nê, tức khoảng 1,050 đồng đôla vàng. Lúc này, ông đã có bạn đồng hành trong việc kinh doanh du lịch, là John Mason Cook, con trai ông. 

Giờ đây, công ty do ông sáng lập Thomas Cook Group đã trở thành doanh nghiệp lữ hành lớn nhất thế giới. Những sáng kiến của ông như giá vé đoàn, tour du lịch trọn gói...  vẫn đang mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp lữ hành thế giới. Nhờ sự tiên phong của Thomas Cook, ngành du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia, lãnh thổ.

Lương Anh, theo The Guardian

Từ khóa: