Xu hướng du lịch xanh hậu Covid-19
Thông điệp Ngày Du lịch thế giới năm 2020 của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhấn mạnh, du lịch có vai trò quan trọng trong kiến tạo cơ hội và bảo tồn giá trị văn hóa – tự nhiên tại các khu vực nông thôn trên toàn thế giới.
UNWTO cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, khu vực nông thôn mang tới thời cơ để phục hồi ngành du lịch, khi du khách tìm kiếm những điểm đến mới, vắng người, trải nghiệm không gian và hoạt động ngoài trời.
Trên thực tế, từ những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ XX, du lịch nông thôn được xem là một loại hình du lịch và phổ biến ở hầu hết các quốc gia ở châu Âu như Pháp, Hungary, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển... Tại châu Á, những mô hình thành công về du lịch nông thôn đã có tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…
Theo dự báo của Liên Hợp quốc, đến năm 2050, 68% dân số thế giới sinh sống tại khu vực đô thị. Điều này khiến nhu cầu du lịch trải nghiệm, tương tác với các cộng đồng địa phương, văn hoá và sản phẩm bản địa ngày càng tăng cao. Du khách mong muốn được "tiếp cận xanh" với tất cả các trải nghiệm du lịch.
Theo ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, từ góc độ nhu cầu du lịch, nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm, chăm sóc sức khỏe của khách du lịch ngày càng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng "sống xanh", trải nghiệm thiên nhiên sẽ thay thế cho dịch vụ nghỉ dưỡng trong các khách sạn, resort khép kín.
"Mô hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, chăm sóc sức khỏe kết hợp với hoạt động nông nghiệp sẽ thu hút khách trong tương lai. Nhu cầu sử dụng các dịch vụ cao cấp tại các trang trại nghỉ dưỡng sẽ tăng lên" – ông Ngô Hoài Chung nhận định.
Trải nghiệm ngày càng hấp dẫn
Theo ông Lưu Đức Kế, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Du lịch Việt, từ lâu nay ngành du lịch đã sử dụng tài nguyên du lịch nông thôn để phục vụ du khách.
Từ những chất liệu ở nông thôn, các sản phẩm du lịch được xây dựng nhiều hơn, ngày càng khác biệt và hấp dẫn hơn. Du lịch cũng thúc đẩy kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương, giúp nhiều sản phẩm nông nghiệp tìm được đầu ra ổn định, tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
“Người dân Hà Nội có nhu cầu thoát ra ngoại thành, tìm đến vùng sinh thái, gắn liền với đời sống người nông dân. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, tài nguyên du lịch từ nông nghiệp, nông thôn vô cùng quý giá cho những công ty lữ hành đang bế tắc về điểm đến. Những sản phẩm gắn với lúa chín như Mù Cang Chải, Pù Luông hoặc vùng cây ăn quả như Lục Ngạn được nâng cấp, tăng thêm trải nghiệm và thu hút ngày càng nhiều du khách” – ông Lưu Đức Kế cho biết.
Tại Hà Giang, du khách chiêm ngưỡng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, ngắm mùa hoa tam giác mạch, hoa đào, mận, lê...; tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán, nét sinh hoạt của các gia đình người dân tộc Dao, Lô Lô, Pà Thẻn...; trải nghiệm canh tác cùng bà con làm nông, trồng rau, quay mật ong bạc hà, chế biến chè Shan tuyết cổ thụ.
Các bản làng tại Đà Bắc (Hòa Bình) cũng là những mô hình thành công về du lịch gắn với nông thôn và cộng đồng. Tại đây, du khách được trải nghiệm cuộc sống chân thật của người dân, tham gia các hoạt động thường nhật và tìm hiểu văn hoá địa phương.
Chị Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch cộng đồng Đà Bắc cho biết: “Những câu chuyện xưa cũ, nét phong tục tập quán dân tộc Mường Ậu Tá, dân tộc Dao Tiền hay việc đi làm nương, thu hái ngô, khoai, đánh bắt cá, kéo vó cá, đổ rọ tôm… để lại nhiều ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách. Để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách, bà con cũng tổ chức thêm các hoạt động biểu diễn văn nghệ, chèo kayak, bè mảng, đạp xe ven hồ sông Đà”.